Mỹ 'đánh' vào tham vọng cường quốc công nghệ của Trung Quốc
- Thứ năm - 01/11/2018 13:28
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bộ Thương mại Mỹ hôm 29/10 đã ban hành lệnh cấm với công ty mạch tích hợp Phúc Kiến Kim Hoa, trong đó, không cho phép mua linh kiện từ nước này trừ khi có giấy phép đặc biệt. Lý do được đưa ra là "nguy cơ ảnh hưởng đáng kể đến lợi ích an ninh Mỹ".
Mỹ đã không giải thích cụ thể lý do này. Nhưng theo CNN, họ có cơ sở để lo ngại bởi Phúc Kiến Kim Hoa là doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước (có đóng góp tài chính từ chính quyền tỉnh Phúc Kiến). Bên cạnh đó, công ty này từng bị Micron Technology (Mỹ) kiện ra tòa nhiều lần vì ăn cắp thiết kế chip.
Tham vọng trở thành cường quốc công nghệ vào 2025 của Trung Quốc đang bị Mỹ cản đường. |
Sau lệnh cấm, chính quyền Bắc Kinh lập tức lên tiếng. "Trung Quốc phản đối hành vi lạm dụng khái niệm về an ninh quốc gia để kiểm soát xuất nhập khẩu đối với các mặt hàng Trung Quốc, cũng như đơn phương can thiệp vào các hợp tác thương mại bình thường", phía Trung Quốc cho biết. Đồng thời, nước này cũng kêu gọi chính phủ Mỹ "ngăn chặn các biện pháp sai trái ngay lập tức" và "bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các công ty" của nước này.
Theo Bloomberg, cũng giống như lệnh cấm ZTE trước đó, việc ngăn chặn Phúc Kiến Kim Hoa có thể khiến tình hình giữa hai nước trở nên căng thẳng, nhất là khi chiến tranh thương mại đang diễn ra. Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng động thái trên cho thấy cả hai đang không chịu nhượng bộ nhau, thậm chí khiến mọi thứ phức tạp hơn.
Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ nước ngoài
Trong bài phát biểu khi thăm một nhà máy bán dẫn ở miền Trung Trung Quốc hồi tháng 4, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh bán dẫn là ngành công nghiệp quan trọng và mang tính ưu tiên. Thậm chí, ông so sánh chip máy tính như trái tim của một con người.
Thế nhưng, "trái tim" đó trên thực tế đang được cung cấp bởi nước ngoài. Theo thống kê của IC Insights, Trung Quốc đang mua nhiều chip máy tính hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Số tiền nhập khẩu chất bán dẫn của nước này lên đến 140 tỷ USD, chiếm 38% so với toàn cầu. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước chỉ sản xuất được nguồn hàng trị giá khoảng 18,5 tỷ USD, tương đương 13% sản lượng thế giới.
Chính quyền Bắc Kinh đang cố gắng thu hẹp khoảng cách bằng nhiều phương pháp, trong đó, đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng nhiều nhà máy, như Kim Hoa Phúc Kiến, Thanh Hoa Unigroup hay Innotron Memory. Thậm chí, các công ty như Alibaba cũng bắt đầu nhảy vào lĩnh vực nghiên cứu bán dẫn, chế tạo chip tích hợp trí tuệ nhân tạo.
Thế nhưng, các nhà quan sát cho rằng việc đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn tốn kém về kinh tế, nhạy cảm về chính trị và cần có nhiều thời gian. Trong khi đó, phía Trung Quốc tỏ ra nôn nóng. Họ bắt đầu bằng cách mua cổ phần các công ty bán dẫn nước ngoài, trong đó có công ty Mỹ nhưng lập tức vấp phải sự phản đối.
Ông Tập đã đưa ra kế hoạch "Made in China 2025" với tham vọng biến Trung Quốc thành siêu cường quốc chế tạo trên thế giới, tự sản xuất được mọi thứ liên quan đến ngành công nghiệp công nghệ cao, bao gồm chất bán dẫn vào 2025. Tuy nhiên, theo Hiệp hội quốc tế về các công ty cung cấp cho ngành công nghiệp điện tử (SEMI), kế hoạch này khó thành hiện thực nếu dựa vào tình hình hiện tại.
Phát biểu tại Thượng Hải tuần trước, ông Lung Chu, người đứng đầu SEMI nhấn mạnh Trung Quốc vẫn cần các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài. "Chúng ta cần đối mặt với thực tế, rằng giữa ngành công nghiệp bán dẫn trong nước và thế giới vẫn tồn tại khoảng cách rất lớn. Do đó, chỉ có các hợp tác quốc tế mới là chìa khóa để phát triển ngành công nghiệp này", ông Chu nhận định.